Bến Lức là một trong những huyện có diện tích trồng chanh lớn của tỉnh Long An với 6.760 ha hiện có. Trong số đó có trên 5.782 ha đang cho trái. Nhiều năm qua, chứng kiến cảnh “được mùa mất giá” và thị trường tiêu thụ của chanh có lúc không ổn định nên chị Phan Nguyệt Tường (sinh năm 1994) ngụ ấp 4 xã An Thạnh đã tìm tòi, nghiên cứu, áp dụng giải pháp sấy khô nông sản mà đặc biệt là trên trái chanh để góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Đi vào hoạt động từ tháng 3/2022 cơ sở Sấy Xanh Greeny của chị Tường đã bắt tay vào việc sấy khô trái chanh và đóng gói bán ra thị trường. Chị Tường chia sẻ trong một dịp tình cờ nói chuyện với bạn bè làm việc ở nước ngoài, nghe các bạn than thở về đồ ăn ở nước ngoài không quen, không ngon vì không có đa dạng các loại rau củ như ở Việt Nam, thèm món ăn đồng quê, bữa cơm gia đình. Cùng với việc mong muốn góp sức giải bài toán thị trường tiêu thụ cho trái chanh, chị đã mạnh dạn xây dựng cơ sở sản xuất sấy khô. Cũng theo chị Tường giá trị kinh tế của sản phẩm sấy tăng gấp nhiều lần so với việc người dân bán chanh tươi cho thương lái.
Chị Phan Nguyệt Tường – Cơ sở Sấy Xanh Greeny nói: "Mình muốn là mở rộng thị trường tiêu thụ của trái chanh, không chỉ là xuất khẩu chanh tươi mà còn có thể xuất khẩu chanh sấy khô, chanh chế biến chuyên sâu để nâng cao giá trị của trái chanh Bến Lức, Long An mình. Mình cũng mong muống mở ra nhiều cơ hội liên kết, hợp tác giữa nông dân và Sấy Xanh Greeny, góp phần tạo dựng mối quan hệ bền vững giữa người trồng trọt và người sản xuất, chế biến. Từ đó cũng góp phần tăng giá trị kinh tế cho trái chanh".
Công nghệ sấy được áp dụng cho trái chanh là công nghệ sấy nhiệt thấp, có thể sấy khô mà vẫn giữ nguyên được màu sắc, hương vị ban đầu. Trái chanh sau khi được làm sạch, cắt lát là đưa ngay vào máy sấy mà không cần tẩm ướp phụ gia gì cả. Do đó, sản phẩm chanh sấy khô hoàn toàn giữ được hương vị nguyên bản. Những sản phẩm chanh sấy khô có ưu điểm bảo quản được lâu, mang đi xa, nâng cao giá trị trái chanh. Và từ chanh sấy khô, ngoài việc sử dụng pha nước chanh như thông thường thì có thể làm trà detox, nấu canh hoặc dùng ngâm mật ong…tùy theo nhu cầu của người sử dụng.
Anh Nguyễn Quốc Tuấn – Phó Chủ nhiệm CLB đầu tư và khởi nghiệp tỉnh Long An nói: “Tôi thấy các sản phẩm của Sấy Xanh Greeny có thể giúp cho chúng ta kết nối với các kiều bào nước ngoài – những người xa xứ rất lâu vẫn hoài nhớ về quê hương. Thông qua những sản phẩm của Sấy Xanh Greeny mang lại cho họ những món ăn, hương vị của quê hương tại nơi xứ người. Bởi ngoài chanh ra thì cơ sở còn có nhiều sản phẩm sấy khác từ bông điên điển, bông thiên lý,…những sản phẩm đặc trưng của Việt Nam. Nhưng với kiều bào nước ngoài thì họ khó tiếp cận với các sản phẩm của quê hương như thế này, chính vì vậy mà Sấy Xanh Greeny sẽ góp phần cho họ tiếp cận được sản phẩm đặc trưng của Việt Nam nhiều hơn. Cũng mong muốn thông qua đây, những ý tưởng khởi nghiệp của các bạn thanh niên như cơ sở Sấy Xanh Greeny sẽ tiếp cận được nhiều nguồn vốn để mở rộng sản xuất, đưa nông sản của Việt Nam ra thị trường xuất khẩu nhiều hơn".
Nguồn nguyên liệu hiện nay được chị Tường thu mua từ các nhà vườn trồng chanh trên địa bàn huyện mà tập trung nhiều ở xã An Thạnh, Lương Hòa. Hiện nay, sản phẩm sấy của chị còn tương đối mới nên chị bán hàng chủ yếu qua kênh online: zalo, facebook, fanpage, mối quan hệ cá nhân,…Chị cũng đang hướng thị trường xuất khẩu để ngày càng nâng cao hơn giá trị kinh tế cho trái chanh.